Nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa chưa đầy 130km về phía Tây Bắc, cách Hà Nội khoảng 190km, Pù Luông thuộc địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa.
Phía Bắc và Đông bắc Pù Luông giáp các huyện Mai Châu, Tân Lạc và Lạc Sơn của tỉnh Hòa Bình…. kết hợp tạo thành một vòng tròn khép kín cho hành trình du lịch khám phá và trải nghiệm vô cùng thú vị.
Pù Luông thuộc tỉnh Thanh Hóa là một điểm tham quan, khám phá nổi tiếng trên bản đồ du lịch bụi, phượt tự túc, nghỉ dưỡng núi giá rẻ, nhưng hầu hết du khách đến đây đều ấn tượng mạnh với cảnh sắc, vẻ đẹp hoang sơ của Pù Luông, nhất là những ruộng lúa bậc thang và rừng rậm nguyên sinh.
Thời điểm thăm quan Pù Luông đẹp nhất là bắt đầu vụ lúa mới từ cuối tháng Năm đầu tháng Sáu, những cánh đồng và khu ruộng bậc thang sẽ khoác một lớp áo xanh mướt, vô cùng đẹp mắt và bình yên.
Đến với Pù Luông, du khách có nhiều lựa chọn để khám phá như thăm các bản và tìm hiểu phong tục, tập quán của người Thái, người Mường giản dị, mộc mạc ở nơi này. Các bản Son, Bá, Mười của xã Lũng Cao; bản Kho Mường xã Thành Sơn; bản Đôn xã Thành Lâm; Bản Hiêu thuộc xã Cổ Lũng…
Đặc biệt, tuy là mùa Hè, nhưng vì thuộc vùng núi đá vôi đất thấp, có nhiều rừng rậm nhiệt đới và ít dân cư sinh nên không khí và thời tiết ở đây khá mát mẻ, dễ chịu. Hoặc du khách có thể đến Pù Luông vào tháng Chín và tháng 10, hai tháng này là thời điểm Pù Luông bước vào mùa lúa chín, tất cả các khu ruộng bậc thang bên sườn đồi sẽ chuyển sang màu vàng rực rỡ, khiến cho Pù Luông mang một vẻ đẹp trù phú và mơ mộng. Thời điểm này cũng chính là lúc vùng đất “thiên đường giữa đại ngàn” này hút khách du lịch đến Pù Luông ngắm lúa chín nhiều nhất.
Khác xa với không khí ồn ào nơi phố hội, bình minh ở Pù Luông là tiếng nước chảy róc rách từ các mó nước quanh nhà, tiếng chim hót véo von và cả hơi sương bốc lên từ những đỉnh núi cao phía xa xa. Tại sao lại là Pù Luông chứ không phải một tên gọi nào khác? Pù Luông là tiếng Thái, có nghĩa là núi có trồng nhiều luồng.
Trên đỉnh Pù Luông cao nhất có đặc sản măng đắng mọc rất nhiều, đặc biệt vào tháng Hai âm lịch là lúc người dân đi hái măng đắng nhiều nhất. Như bao sản vật khác từ núi rừng, măng đắng có thể chế biến nhiều món ăn từ đơn giản đến cầu kỳ. Dẫu vậy, món măng luộc chấm mắm ớt cay vẫn là ẩm thực được người dân bản địa lựa chọn mời khách phương xa.
Thức dậy sớm nhẹ nhàng đi trên con đường ra đồng, đón làn mây bay ùa vào người, chạm tay vào từng cây lúa còn đọng giọt sương sớm… là những giây phút thảnh thơi hiếm có trong những ngày bình thường du khách. Thêm một trải nghiệm tuyệt vời nữa khi du khách cảm nhận những tia nắng ấm đầu tiên chạm vào người, ngắm nhìn cuộc sống bình dị của người dân nơi đây.
Cảnh núi non gắn kết với mây trời, thửa ruộng xanh xanh xen kẻ với mảng màu vàng rực rỡ, chiếc ghế ngồi cùng bàn tròn thơ mộng nằm cạnh bên khóm hoa tạo nên bức tranh phong cảnh hữu tình. Đến với Pù Luông, những bon chen, bừa bộn, khói bụi của cuộc sống đời thường không còn nữa. Thay vào đó là không khí trong lành, mát mẻ, dễ chịu. Sâu thẳm tâm hồn bạn sẽ thực sự hòa mình vào thiên nhiên bình yên đến lạ.
Sau một ngày khám phá vùng đất Pù Luông, du khách có thể nghỉ ngơi trong các ngôi nhà sàn rộng rãi, thoáng mát của người dân bản địa. Hoặc có thể lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông như Puluong Natura bungalow, Puluong Retreat, Puluong Eco-garden, Puluong OhayO… với thiết kế hiện đại nhưng vẫn giữ được truyền thống của vùng đất Pù luông. Ở đây, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đặc trưng của vùng đất này như cơm lam, nộm hoa chuối rừng, canh đắng, vịt Cổ lũng, gà đồi, cá hấp ống tre, ốc núi, xôi ngũ sắc,… hay cùng uống một chum rượu cần với người dân bản địa.
Pù luông vẫn còn ẩn chứa không ít điều thú vị, hãy khám phá và cảm nhận cảnh quan thiên nhiên hoang dã trong hành trình mới. Với những gì thiên nhiên ban tặng, chắc chắn khu du lịch cộng đồng Pù Luông-Bá Thước đang và sẽ là điểm dừng chân lý tưởng đối với du khách trong tương lai.
*Theo Hồng Lê (Vietnam+)